Hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời năm 2015 với chủ đề " Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay", trường TH Bế Văn Đàn đã phát động cuộc thi " Cảm nhận từ một cuốn sách" nhằm khuyến khích động viên phong trào đọc sách và giới thiệu sách hay để cùng nhau đọc trong cán bộ - giáo viên và học sinh. Sau đây là những bài giới thiệu của GV và HS.
LẤP LÁNH – CÂU CHUYỆN NHƯ MỘT BẢN NHẠC KHÔNG LỜI…
-Đặng Thị Việt Trinh-
Tình yêu đôi lứa là một chủ đề chưa bao giờ cũ kĩ trong tâm trí mỗi con người ở mọi thời đại. Mỗi vùng đất, mỗi lãnh thổ, quốc gia, có thể thiếu lương thực, thiếu ngân sách cùng các điều kiện vui chơi, giải trí, hay có thể thiếu thốn nhiều thứ cấp thiết khác, nhưng tuyệt nhiên thứ tình yêu mãnh liệt ấy vẫn được nhem nhóm lên từ trong sâu thẳm nhất. Bởi lẽ, ai cũng có quyền yêu thương và được yêu thương.
Viết về chủ đề này, các nhà văn trong và ngoài nước, nhiều người đã nổi lên như một hiện tượng về tay bút và phong cách văn chương mới lạ. Và với ngòi bút tinh tế, một trong số ít những nhà văn nữ đương đại của Nhật Bản - Ekuni Kaori đã viết nên một câu chuyện với những cung bậc cảm xúc liên hồi, của những con người, sẵn sàng chấp nhận hi sinh để được tự do yêu nhau.
Cuốn sách mang một cái tên chứa chan những hi vọng đẹp đẽ nhất “Lấp lánh” do nhà văn Ekuni Kaori sáng tác. Ekuni Kaori sinh năm 1964 tại Tokyo. Cô được mệnh danh là “Murakami nữ” của Nhật Bản. Ekuni Kaori được xem là một trong những nhà văn nữ có tầm ảnh hưởng nhất Nhật Bản hiện nay, với các tác phẩm nổi tiếng như Tháp Tokyo, Hoàng hôn rơi xuống, Đêm lạnh. Năm 2004, cô được nhận giải thưởng Naoki với tập truyện ngắn Đã sẵn sàng để khóc. Lấp lánh cũng là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Ekuni Kaori, được Phạm Quỳnh Nga dịch từ nguyên bản tiếng Nhật, Kirakira Hiraku, Nhà xuất bản Shinchosha, do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh – Nhà xuất bản Nhã Nam in ấn và đăng ký bảo hộ bản quyền năm 2014. Cuốn sách gồm 212 trang với 12 mục truyện nhỏ:
1. Ôm nước
2. Con quỷ màu xanh
3. Chòm Lộc Báo
4. Những vị khách, người ngủ và người canh gác
5. Những viên kẹo
6. Trăng giữa ban ngày
7. Cái gông bằng nước
8. Những con sư tử bạc
9. Tháng Bảy, như những người ngoài vũ trụ
10. Cuộc họp gia đình
11. Người cuốn sao
12. Nơi nước chảy
Đến với cái tên Lấp lánh, con người ta hay mường tượng một khung cảnh tình yêu lung linh, hạnh phúc. Nhưng một khi chúng ta băt gặp cách minh họa độc đáo ngay bìa sách, cảm giác vô hình khiến con người ta bứt rứt không yên, muốn cầm ngay, đọc ngay. Búp bê cầu mưa, hai chiếc ca-vat đặt sóng đôi, chiếc nơ cài độc bước, dòng chữ lấp lánh như rưng rưng lệ ẩn hiện trong màn mưa khiến ta khi vừa ngắm nghía đã thoáng thấy bất an, trăn trở.
Với khổ sách 13 x 20,5 cm, độ dày vừa phải: 212 trang, cuốn sách ra mắt bạn đọc lần đầu tiên năm 2015 với giá bìa 48.000đồng. Cuốn sách đã và đang được bạn đọc yêu thích, đón nhận.
Đọc cuốn sách chúng ta sẽ thật sự ngạc nhiên vì cách nhìn rất mới của tác giả về một vấn đề khá nhạy cảm - tình yêu và hôn nhân đồng tính. Cuốn sách là câu chuyện không hồi kết của những con người bình dị nhưng rất lạ kỳ trong cách sống và cách đối mặt, giải quyết vấn đề. Câu chuyện xoay quanh ba nhân vật chính là Soko, Mutsuki và Kon với lối văn kể đặc trưng xoay quanh lời tự sự của mỗi nhân vật ở mỗi mẩu chuyện ngắn. Soko là một cô gái mắc chứng nghiện rượu nặng, được điều trị can thiệp với những toa thuốc thần kinh liên hoàn; Mutsuki là một bác sĩ và là một đồng tính nam; Kon - một sinh viên Đại học, là người mà Mutsuki dành nhiều tình cảm yêu thương, trên cả mức tình bạn. Ngoài ra, câu chuyện còn ẩn hiện bóng dáng của Kaki, bác sĩ khoa phụ sản – cậu bạn thân của Mutsuki và cũng là một đồng tính nam với những suy nghĩ nổi loạn.
Mở đầu câu chuyện là một bầu trời sao với hình ảnh thị lực 1,5 đinh ninh của Mutsuki. Soko và Mutsuki mới lấy nhau. Cuộc hôn nhân không vì yêu, cũng chẳng vì cái thứ vật chất đáng chán mà người ta ngoài kia vẫn đang thèm khát, họ lấy nhau chỉ để nhằm che đậy ánh mắt soi mói của người đời về những thứ không thể không che giấu. Không xác định liệu sẽ có những điều gì xảy đến với cả hai con người đáng thương ấy, nhưng trước hết, họ cảm giác mình được nhẹ nhõm trong cái vỏ bọc chắn chắn của hôn nhân. Có thể nhiều người trong chúng ta sẽ thấy ngột ngạt, khó thở mà có thể còn là nỗi sợ hãi lưng chừng. Nhưng tin tôi đi, đối với họ, vậy là quá đủ, ít nhất, trong thời điểm “bây giờ”!
Soko và Mutsuki sống trong một mối quan hệ vợ chồng kì lạ . Sự thỏa thuận này thỏa mãn tất cả những yêu cầu của cả hai về những điều thầm kín muốn che đậy với cả thế giới. Một căn hộ chung cư mà bao người khao khát, hai con người, hai thế giới, nhưng hòa quyện vào nhau bởi sự đồng cảm và đong đầy những nỗi niềm yêu thương. Soko mắc chứng nghiện rượu dẫn đến thần kinh yếu, từng thất bại trong cuộc tình say đắm với Hanegi. Cô chia tay trong tuyệt vọng, đau khổ và chán chường. Bố mẹ cô vì nghe lời khuyên của bác sĩ tâm lý – lấy chồng là ổn thôi, nên cô phải xem mắt đến bảy lần. Lần thứ bảy thì gặp và kết hôn với Mutsuki. Trong ánh mắt nhìn của Soko, Mutsuki là một người chồng có vẻ đẹp hoàn hảo: thân hình rắn rỏi, khuôn mặt đẹp, hàng lông mi ngắn nhưng đều tăm tắp. Với Soko, việc vừa uống Whiskey Ireland, vừa đứng hóng gió, vừa trò chuyện cùng Mutsuki, là một niềm hạnh phúc tột cùng.
Mutsuki là một bác sĩ giỏi, tâm huyết. Tự trong sâu thẳm, anh hiểu bản thân mình là ai và anh cần điều gì. Anh không thích ôm phụ nữ và từng thề sống độc thân suốt đời. Không biết đã bao lần anh khốn khổ với cả những suy nghĩ và hành động trái ngược của bản thân. Anh gặp Soko cũng vì theo yêu cầu của bố mẹ. Hôn nhân đến trong nháy mắt với những giao ước của cả hai. Một ông chồng đồng tính và một cô vợ nghiện rượu. Như có mà không, như không mà có. Bởi cả hai đều có vấn đề của mình. Không đòi hỏi, không hy vọng. Không mất mát, không sợ hãi. Một cuộc hôn nhân tay không “ôm nước”!
Kon – cậu sinh viên mà Mutsuki gặp và yêu trong thời sinh viên (đến bây giờ), nhỏ hơn anh vài tuổi. Thời ấy, Mutsuki dọn đến sống cùng Kon “đường đường chính chính” như hai gã bạn thân. Kon trong Mutsuki là những sống lưng thẳng tắp, quanh năm rám nắng, eo thon và có cả mùi Coca-cola. Kon tâm tính bất thường, không màng điều tiếng của kẻ khác về lối cư xử quái gở của bản thân. Sống vì mình, giản đơn, nhaỵ bén với những dự định và quyết định của bản thân, một cuộc sống đủ đầy những sắc màu.
Soko biết rất rõ về mối quan hệ ấy, nhưng cô vẫn chấp nhận kết hôn với Mutsuki và tự cho mình được phép tận hưởng sự quan tâm, yêu chiều rất mực của anh. Cô hay chọn cách thật tỉ mẩn khi ngồi nghe Mutsuki kể về Kon. Ban đầu, cô chỉ xem đó là một thú vui, nhưng càng lúc cô càng nhận ra một sự thật rõ ràng – cô đã yêu Mutsuki thật sự. Nồng nàn, ấm áp, Mutsuki đã mang đến cho Soko những xúc cảm nóng nảy, cay nghiệt mà lắm lúc, cô muốn chạy đến để nắm lấy ngay, nắm giữ ngay và chiếm hữu ngay cho mình. Nhưng cô biết, cái thứ “tình” giữa Mutsuki và Kon không phải là điều mà Soko có thể chen ngang.
Soko chọn cách san sẻ và sống chung với cái thứ tình yêu khó lường, khó đoán ấy. Chấp nhận người đàn ông tên Kon và chồng mình, thậm chí, cô còn xem Kon là điều đương nhiên cần có, sẵn có và phải có trong cuộc sống của cô và Mutsuki.
Lật giở từng trang sách, chúng ta sẽ cùng đồng hành với diễn biến tâm lý bất thường, sự đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, sự giày vò, cấu xé thân xác bởi rượu và chứng thần kinh yếu gây ra của cô vợ trẻ, những quan tâm, chăm chút của anh chồng, sự nỗ lực cùng nhau vượt qua nỗi sợ hãi, sự bất lực của khát khao được vươn lên giành lấy niềm hạnh phúc tưởng chừng giản đơn, bình dị, và trên hết là tấm lòng hi sinh, sự san sẻ của những con người biết chấp nhận để được yêu thương và che chở cho nhau.
Cái hay của Ekuni Kaori là không hề đi theo lối mòn của những câu chuyện tình ủy mị, đắm say hay chán chường, sụp đổ. Ekuni Kaori chọn một lối rẽ khác, tưởng chừng quen mà lạ, lạ mà quen, chứa chan tất cả đồng cảm và yêu thương. Cô tinh tế lấn sâu vào tiềm thức của từng nhân vật, buộc họ phải tự mình thoát ra, nổi bật lên ngay giữa những lúc tưởng chừng không còn “đất diễn”. Có thể nói, Lấp lánh hấp dẫn trong cả cấu trúc, đề tài và mới mẻ trong cả cách nhìn nhận. Cuốn sách ra đời chính là sự đồng cảm với những con người khát khao được là chính mình khi mà những định kiến xã hội về họ còn quá khắt khe.
“Cuộc sống quá ngắn cho những hờn giận, hơn thua và yêu thương là điều chưa bao giờ ngơi nghỉ.”! Hãy đến với Lấp lánh, đến với Ekuni Kaori để yêu thương, hi vọng, thấu hiểu và sẻ chia!
Vì sao trái đất nặng ân tình
Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh
Như một niềm tin, như lẽ sống
Như lòng nhân nghĩa đức hi sinh!
Thế hệ trẻ hiện nay chưa một lần có cơ hội gặp Bác Hồ. Thế nhưng qua lời kể của cha mẹ, của những bậc đi trước và từ tư liệu lịch sử dân tộc, những trang sách viết về Bác, chúng ta hiểu được một chân lý: Nếu không có Bác Hồ kín yêu thì không có một Việt Nam độc lập, không có một Việt Nam đang từng ngày hội nhập và phát triển cùng nhân loại.
Những tấm gương của các anh hùng, chiến sĩ hi sinh anh dũng, lao động hết mình vì nhân dân đã có sức cổ vũ thật lớn lao trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập. Trong những tấm gương ấy, Bác là tấm gương tiêu biểu nhất. Bởi vậy nhà xuất bản Giáo dục và các tác giả Trần Ngọc Linh, Lương Văn Phú, Nguyễn Hữu Đảng thuộc học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã sưu tầm và tuyển chọn các câu chuyện về Bác, về các giai đoạn khác nhau về cuộc đời hoạt động cách mạng được đúc kết thành bộ sách “ Kể chuyện Bác Hồ” gồm 4 tập, xuất bản năm 2008, bên trên là bức ảnh Bác Hồ cùng với các em thiếu nhi với chòm râu trắng như cước thật đẹp và nhân hậu. Hồ Chí Minh là tên gọi thân thương đã trở nên vô cùng thân thuộc với người dân Việt Nam nhiều thế hệ, hết đời này qua đời khác, cha ông ta đều gởi lại cho con cháu mình những câu chuyện hay không bao giờ cạn về Bác Hồ và cả muôn vàng tình yêu kính sâu nặng với người cha già dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890, là người con thứ 3 của bà Hoàng Thị Loan và ông Nguyễn Sinh Sắc, lúc nhỏ người có tên là Nguyễn Sinh Cung tự Tất Thành, lớn lên hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Năm 1942 người đổi tên là Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, là một danh nhân văn hóa thế giới đại diện cho niềm tự hào của văn hóa Việt Nam, Người là tấm gương sáng nhất để chúng ta noi theo.
Hơn 522 trang sách là toàn bộ bức tranh phát họa với những nét sơ giản về bối cảnh lịch sử và cuộc đời Bác Hồ từ lúc Người ra đời đến khi Người “ từ giã cõi hôm nay”. Những sự kiện được chọn làm chủ đề của từng bài viết cung cấp cho chúng ta một biểu tượng cụ thể, sinh động, lại liên kết thành một hệ thống, tạo nên một chân dung khái quát về Bác Hồ, đồng thời những mẩu chuyện có sức hấp dẫn về nội dung khoa học, cách diễn đạt nhẹ nhàng, dễ hiểu sẽ có tác dụng giáo dục sâu sắc đến bạn đọc. Qua đó chúng ta sẽ biết sống tốt hơn, đẹp hơn trong những ngày hiện tại sẽ có nhiều cống hiến hơn cho đất nước.
Và bây giờ hãy cùng tôi lật từng trang sách để lòng ta theo dấu chân Người.
Đến với tập 1. Kể chuyện Bác Hồ gồm 4 phần với 276 trang. Phần I+II+III bằng những câu chuyện kể với ngôn ngữ mộc mạc, những thông tin về tuổi thơ của Bác Hồ trên quê hương với các tiểu đề: Gia đình và thời thơ ấu, Bước chân và tầm nhìn, Trở lại Làng Chùa…chúng ta sẽ cảm nhậnđược rằng ngay từ tuổi thơ ấu Bác Hồ đã sớm ý thức được nỗi đau của dân nghèo và nỗi hận mất nươc, để nuôi cho mình một mơ ước thật táo bạo: “ra đi để xem các nước người ta làm gì, học hỏi để trở về giúp đồng bào ta”. Xứ Huế những kỉ niệm đau buồn, quả thực rất buồn với sự ra đi quá sớm của người mẹ thân thương. Trở nên mồ côi, cuộc đời của cậu bé Nguyễn Sinh Cung như mất đi một điểm tựa nhưng cũng từ trong nỗi đau ấy, người thiếu niên xứ Nghệ đã khôn lớn và trưởng thành trong tình yêu thương của quê nhà và của người cha. Phần III khép lại với bài viết nhan đề “ Tự do, bình đẳng, bác ái”. Và từ đây bắt đầu con đường đấu tranh của một con người vĩ đại.
Với phần IV: Đi tìm chân lí đã tái hiện quá trình hoạt động cách mạng của Bác từ khi là thầy giáo ở trường Dục Thanh cho đến khi xuống tàu ra đi ở bến Nhà Rồng và bôn ba khắp chân trời góc bể với ước nguyện da diết được trở về cứu nước cứu dân.
Đến với tập 2.Kể chuyện Bác Hồ gồm 247 trang sách với 63 câu chuyện. Tác giả đã giới thiệu những bức thu đầu tiên Người gởi cho thân phụ khi rời quê hương trên con đường đi tìm chân lý với bản “ Yêu sách” , Người chính tuyên chiến với kẻ thù bằng “quả bom chính trị” ngay trên đất nước của chúng…tiếp nối là những câu chuyện vô cùng xúc động về tình cảm đặc biệt của Người dành cho thiếu niên, nhi đồng.
Có thể nói những trang xúc động nhất của sách là một câu chuyện “ Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở trại Kim Đồng”. Ngay từ phút đặt chân đến cổng trại nhìn bờ rào dãy dây thép gai, trong mắt Bác hiện lên sự nhức nhối. Bác nói với cán bộ phụ trách bằng giọng nhẹ nhàng nhưng vô cùng thấm thía:
- Đây là nơi nuôi dạy các cháu mồ côi, được mang tên liệt sĩ Kim Đồng sao các cô, các chú lại rào dây thép gai như một nhà tù thế này.
Chú Thuận thưa:
- Dạ thưa Bác cơ ngơi của thời đại cũ để lại đấy ạ.
Bác lắc đầu: Các cô, các chú phải tháo gỡ đán dây thép gai ngay, Chế độ cũ nhóm các cháu vào đây, chúng ta tiếp tục nuôi dạy vì tương lai cuả các cháu.Và rồi Bác đi vào thăm từng căn phòng ăn, phòng ở, phòng học, nơi các cháu vui chơi Bác khen: “ Được cái gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp nhưng còn thế nào các cô, chú có biết không?
Mọi người nhìn Bác lúng túng rồi chú Thuận mạnh đáp: “ Thưa Bác các cháu ở trại còn chật chội ạ”.
Bác Hồ mỉm cười:
“Chú chỉ đúng 1 phần nhỏ thôi. Đối với các cháu mồ côi, diều lớn nhất là phải bù đắp tình thương.Các cháu đã không còn bố mẹ thì các cô, chú ở đây hãy là bố, là mẹ của các cháu. Các cô chú nuôi cháu phải đem cacr tấm lòng làm mẹ, làm cha mà cư xử, mà săn sóc, mà dạy bảo. Bác thấy ở đây đối với các cháu còn cái vẻ trại lính thiếu cái vẻ ấm cúng của một gia đình.Dạy cho các cháu vào khuôn phép, sống có trật tự, kỉ cương là đúng nhưng không được để các cháu mất cái vẻ hồn nhiên, mất cái vui tươi, thoải mái.Các cô, chú phải cho các cháu thấy trại Kim Đồng là gia đình đi xa các cháu nhớ, ở nhà các cháu vui.Được như vậy thì cần gì phải rào dây thép gai, phải canh phòng nghiêm ngặt với các cháu………….Và trước khi rời khỏi trại Kim Đồng Bác đã căn dặn các em như ông dặn cháu:
- Các cháu phải vâng lời các cô, các chú phụ trách. Thiếu nhi thì phải ngoan, phải thật thà, lễ phép với người lớn, kính trọng với người già, giúp đỡ những người tàn tật yếu đau. Các cháu ở trong tập thể với nhau càng phải yêu thương nhau như anh chị em ruột thịt. Và phải dũng cảm sữa chữa những khuyết điểm, những thói hư tật xấu để lớn lên làm người chủ của đất nước, đừng để mình là cái gánh nặng của xã hội…
Vâng cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Người đã dành nhiều bài nói, bài viết, bài phát biểu…bày tỏ sự quan tâm những tình cảm đặc biệt của mình với thế hệ măng non. Ngay trước lúc đi xa, trong di chúc của Người cũng không quên dành một phần nói về thiếu niên nhi đông:
….Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết.
….Cuối cùng tôi để muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên nhi đồng…
Tình cảm và những lời căn dặn của Người luôn luôn được các thế hệ trẻ Việt Nam khắc cốt ghi xương. Chính điều đó đã nâng bước, chắp cánh để họ vững vàng hơn trong cuộc sống. Ngày càng khẳng định mình đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vào công cuộc kiến thiết phát triển đất nước thêm to đẹp hơn theo đúng mong ước của Người, để chúng ta hiểu hơn câu khẩu hiệu: “ Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vĩ đại”.
Cuốn sách “ Kể chuyện Bác Hồ” là món quà quí giá của mỗi người dân Việt Nam, tự hào là con cháu của Bác.
Xin chân thành cảm ơn!
Nguyễn Thị Bích Hường
CHUYỆN CON ỐC SÊN MUỐN BIẾT TẠI SAO NÓ CHẬM CHẠP
Câu chuyện nhỏ, ý nghĩa lớn
Tôi vẫn luôn thích những câu chuyện vui tươi và tràn ngập màu sắc sáng . Cũng như cuộc sống không chỉ cần có những ngày nắng mà còn cần có những ngày mưa, không chỉ đèn xanh mà còn cần đèn đỏ. Đèn đỏ để ta dừng lại, quan sát và bước tiếp. Chắc rằng, đây chưa phải là câu chuyện hay nhât mà tôi từng đọc nhưng đó là câu chuyện mang lại nhiều cảm xúc.
Chuyện Con Ốc Sên Muốn Biết Tại Sao Nó Chậm Chạp ra đời từ một gợi ý rất ngộ nghĩnh khi tác giả nhận được câu hỏi của cậu cháu trai: “Ông ơi, vì sao con ốc sên lại chậm chạp như vậy?”. Được viết bởi Luis Sepulveda, tác giả đã từng rất thành công qua quyển sách Chuyện Con Mèo Dạy Hải Âu Bay – quyển sách với câu chuyện giản dị và ngộ nghĩnh nhưng ẩn chứa nhiều bài học và triết lý sâu sắc đã được hàng triệu độc giả trên thế giới đọc và cảm nhận. Ở quyển sách mới này, tác giả với giọng văn giản dị, dễ hiểu, có đôi chút hóm hỉnh kể về với nhân vật chính là chú ốc sên nhỏ bé và câu chuyện đi tìm khao khát và ý nghĩa cuộc sống. Chuyện Con Ốc Sên Muốn Biết Tại Sao Nó Chậm Chạp mang đến cho tôi những trải nghiệm thú vị nhưng cũng đầy ý nghĩa.
Chuyện Con Ốc Sên Muốn Biết Tại Sao Nó Chậm Chạp kể về một chú ốc sên đã dũng cảm chấp nhận hy sinh, “tự làm khổ mình” để có thể trưởng thành hơn. Chú ốc sên này thuở nhỏ sống cùng bầy ốc sên của mình ở một nơi có tên là Quê hương Bồ Công Anh. Bọn chúng sống một cuộc đời chậm chạp, lặng lẽ, cam chịu và gọi nhau đơn giản là “sên”, cho đến khi chú ốc sên này dũng cảm nêu lên ý kiến của mình rằng cuộc đời này thật bất công khi dành sự ưu ái quá nhiều cho các loài vật khác, trong khi bọn chúng lại được “ban” cho sự chậm chạp và thậm chí không có nổi một cái tên riêng. Sau khi nêu rõ quan điểm của mình, chú đã bị đồng loại của mình chế giễu và cho rằng giống loài của chúng đã quá quen với cuộc sống chậm chạp. Để rồi từ đó, kẻ nổi loạn quyết tâm rời xa chốn thân thuộc của mình để đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc bấy lâu.
Trên chuyến hành trình ấy, chú ốc sên may mắn gặp được một bác rùa già – cũng chính là người đã đặt cho chú cái tên Dũng Khí – và chỉ dạy cho chú nhiều bài học quý giá. Và cũng nhờ cuộc hành trình đó mà chú ốc sên Dũng Khí biết được một tai họa lớn sắp ập xuống đồng cỏ – nơi các loài sinh vật và đồng loại của chú đang sống yên bình. Để rồi bằng tấm lòng yêu thương của mình, chú ốc sên nhỏ quyết định quay trở về báo tin cho đồng loại cùng như các loài vật khác như họ nhà kiến, bọ hung, chuột chũi,.
Với giọng văn giản dị, dễ hiểu, có đôi chút hóm hỉnh kể về câu chuyện chú ốc sên Dũng Khí và những loài vật, Chuyện Con Ốc Sên Muốn Biết Tại Sao Nó Chậm Chạp phù hợp cho mọi lứa tuổi chứ không chỉ các em thiếu nhi. Bằng sự tài tình trong ngòi bút, Luis Sepulveda cũng đã vẽ ra trước mắt độc giả những hình ảnh thiên nhiên sống động với các loài vật đang sinh sống và có những suy nghĩ, tính cách khác nhau hệt như con người, qua đó mang đến cho độc giả những cảm nhận rất riêng tùy vào từng lứa tuổi hay quan niệm sống, nhưng hơn hết, sau khi đọc và ngấm những gì mà tác giả gửi gắm, mỗi người chắc chắn cũng sẽ rút ra được cho mình những bài học sâu sắc về cuộc sống, về lòng dũng cảm, khát vọng vươn lên và khẳng định cái tôi.
Qua Chuyện Con Ốc Sên Muốn Biết Tại Sao Nó Chậm Chạp, tôi thấy mình cũng giống như chú ốc sên nhỏ, hồn nhiên, nhiệt thành và như được tiếp thêm sức mạnh để sống hết mình trên chuyến hành trình tìm kiếm những điều lớn lao.
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM : ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM
Đoàn Giỏi sinh ra ở mảnh đất Châu Thành, Tiền Giang. Đất rừng Phương Nam là truyện viết cho thiếu nhi được biết đến nhiều nhất của ông. Truyện được tái bản nhiều lần, được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Vào năm 1997, tác phẩm được chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên, dài 11 tập, rất được khán giả yêu thích.Tác phẩm được xem là bài ca tuyệt vời về thiên nhiên và con người Nam Bộ.
Cuốn tiểu thuyết kể về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé An. Bối cảnh truyện diễn ra ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm vùng đất này. Câu chuyện mượn hình ảnh một cậu bé bị lưu lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ để giới thiệu "Đất rừng Phương Nam". Nơi đó, một vùng đất vô cùng giàu có, hào phóng và hùng vĩ với những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến. "Đất rừng phương Nam" của Đoàn Giỏi như một xã hội của miền sông nước Tây Nam bộ thu nhỏ. Bởi ở nơi đó, người đọc đã tìm thấy hình ảnh người dân của vùng đất phương Nam từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang - Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh, sau đó dừng lại ở Năm Căn Cà Mau.
Cậu bé An sống cùng với cha mẹ tại thành phố những ngày sau ngày độc lập 2-9-1945. Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, đổ quân vào Nam Bộ. Pháp mở những trận đánh khiến cho những người dân sống tại các thành thị phải di tản. An và ba mẹ cũng phải bỏ nhà bỏ cửa để chạy giặc. Cậu nhớ đến một anh bạn đi tàu đã tặng cậu chiếc la bàn mà không kịp mang theo.
Theo cha mẹ chạy hết từ vùng này tới vùng khác của miền Tây Nam Bộ. An kết bạn cùng với những đứa trẻ cùng trang lứa và có một cuộc sống tuổi thơ vùng nông thôn đầy êm đềm. Nhưng cứ vừa ổn định được mấy bữa thì giặc đánh tới nơi và lại phải chạy. Trong một lần mải chơi, giặc đánh đến và An đã lạc mất gia đình. Cậu trở thành đứa trẻ lang thang. Ở nơi chợ búa này cậu gặp những người đầu tiên cứu mạng mình. Dì Tư béo bảo cậu về làm giúp cho quán ăn của dì. Thế là từ đó cậu có nơi nương tựa, không còn phải chịu cảnh đói khổ qua ngày. Tại quán ăn dì Tư béo, An có cơ hội tiếp xúc với nhiều người: anh Sáu tuyên truyền, những anh bộ đội, những người nông dân chân chất như lão Ba Ngù... và cả những tên Việt gian như vợ chồng Tư Mắm.
Vì bị vợ chồng Tư mắm phát hiện mình biết chữ và đã đọc hết được những thông tin mà vợ chồng hắn viết nên An phải bỏ trốn. Lang thang, lưu lạc nhiều nơi, cuối cùng Cậu bé An đã gặp tía má nuôi và người anh em kết nghĩa là thằng Cò. Từ đây, cuộc đời của cậu bé An bước sang một trang mới. Cậu bé được làm quen với chú Võ Tòng, với những con người nhân hậu nhưng có nghị lực phi thường. Cậu được tía, má nuôi yêu thương, dạy dỗ. Tình yêu quê hương, yêu đất nước được nuôi dưỡng lớn dần trong cậu. Và người đọc đã thấy hình ảnh một cậu bé An chững chạc, rắn rỏi trong ngày lên đường ra trận, chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.
Ðến nay, Ðất rừng phương Nam vẫn được đánh giá là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Như nhà văn Anh Đức nhận xét: "Càng về sau này, Đất rừng phương Nam càng tỏ ra có vị trí vững chắc trong số các quyển sách hay nhất viết về thiếu nhi của nước ta. Và những người lớn đọc nó vẫn vô cùng thích thú... Với một đời văn trên bốn mươi năm, Đoàn Giỏi kịp để lại cho đời những dòng đẹp đẽ đậm sắc thái về quê hương, đất nước, con người vùng đất Nam Bộ thân yêu".
Cây phong non trùm khăn đỏ
A - xtơ – ma - tốp
Vào một buổi chiều mùa thu năm 1984, khi phát hiện cuốn sách này được bày bán trong một quầy sách nhỏ, trên vỉa hè của con đường Hùng Vương thị xã Tam Kì, tôi đã mua nó với tất cả số tiền mình có được và đành phải đi bộ 50 km để đến trường THCS Tiên Lãnh – nơi tôi dạy lúc đó, vì không còn tiền đi xe. Đến bây giờ, sau hơn 30 năm, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc khi lật từng trang sách này.
A - xtơ – ma - tốp là nhà văn Nga, cũng là tác giả của Người thầy đầu tiên. Những trang viết của ông sâu sắc và làm người đọc rung cảm đến từng nhịp đập. Tôi nói như thế có lẽ là hơi quá với một số người nhưng với những ai sống bằng cảm xúc như tôi thì không hề quá chút nào. Tôi đã lịm người, đã trăn trở với từng nhân vật, đã học thuộc cả một vài đoạn văn… Đúng là sách đem lại cho ta biết bao điều thú vị mà đời thường không dễ gì đem lại.
Câu chuyện xảy ra trong một vùng núi đồi và thảo nguyên. Qua nghệ thuật miêu tả sống động của tác giả, tôi như được đi trên những đồi cỏ xanh rợn, nghe tiếng gầm thét của dòng thác dội về, thấy sự khắc nghiệt của đỉnh đèo đã làm thay đổi số phận của cả 3 nhân vật chính : một phụ nữ và 2 người đàn ông. Một mối tình tay ba éo le, vừa đáng giận, vừa đáng thương. Ba nhân vật là 3 tính cách. Đặc biệt là hai người đàn ông. Một: hào phóng, sáng tạo, liều lĩnh; một: nhẫn nại, thông minh, điềm đạm… Họ đều yêu người phụ nữ đó và mỗi người có một cách yêu khác nhau.
Nhưng điều tôi muốn nói với các bạn là tôi không xúc cảm nhiều với tình yêu của họ mà chính tích cách của họ mới làm tôi rung cảm. Trong từng trang sách, những bài học cuộc đời được mở ra. Đó là phải có trách nhiệm với cuộc sống, với tình yêu của mình. Nếu chúng ta trốn chạy trách nhiệm thì hạnh phúc cũng mãi mãi trốn chạy với mình.
Các bạn hãy tìm đọc Cây phong non trùm khăn đỏ nhé.
Cảm nhận về tập thơ thiếu nhi “ Mèo khóc chuột cười” của Cao Xuân Sơn
Các bạn thân mến, có lẽ trong mỗi chúng ta đều có những cô bé, cậu bé, mãi mãi trong miền kí ức thân yêu. Vì thế trong hành trình tìm về với miền ấu thơ, tìm lại một ánh mắt "trong veo", khoảnh khắc đất trời và nỗi nhớ cũng "trong veo", các nhà thơ Việt Nam đã xây dựng nên một thế giới nhân vật lung linh sắc màu cuộc sống. Nói về thơ viết cho thiếu nhi tôi không thể không nghĩ đến Võ Quảng (Măng tre), Phạm Hổ (Chú bò tìm bạn), Trần Thanh Địch (Đôi tai mèo), Định Hải (Bài ca trái đất)... Đặng Hấn (Cầu chữ Y), Trần Quốc Toàn (Viết đơn lên cát trắng), Dương Thuấn (Cưỡi ngựa đi săn)...Đặc biệt tôi yêu thích nhất tập “Mèo khóc chuột cười” của Cao Xuân Sơn.Tập thơ được nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2006.
Tập thơ là món quà tặng quý giá cho trẻ em Việt Nam, cho các thế hệ học sinh của tôi. Làm quà cho học sinh của mình tôi hay tìm mua những quyển thơ như thế.Có người biết tôi yêu thơ và quý trẻ thì bảo tôi tặng thơ cho trẻ vì yêu thơ. Có người cho rằng cho quà thơ là rẻ nhất. Sự thật là vậy. Thi sĩ viết thơ cho trẻ thơ rất thiệt thòi, ngay đến diễn đàn để công bố tác phẩm cũng khó kiếm. Vì thế có một tác phẩm mới nào một cây bút mới nào là tôi vô cùng trân trọng…
Tuy không gian sống thực tế của Cao Xuân Sơn như hầu hết thị dân hiện nay, không lấy gì làm khoáng đạt cho lắm nhưng anh có nhiều đề tài cho các bài thơ của mình . Anh có thơ về... cái điện thoại, về chiếc ti vi tưởng đã quen đến nhàm! Thơ “theo” anh từ nhà (Như có ai đi vắng, Mẹ sinh em bé, Nhất mẹ nhì bà, Nhím và Nghé...), ra... quán (Thằng nhóc phố tôi), vào công viên (Mèo đi chơi Thảo Cầm Viên, Miu và Cún, Mùa xuân đi thuyền thiên nga...), thăm nghĩa trang, lên Đà Lạt, ra Phú Quốc... Ấn tượng trội nhất của “Mèo khóc chuột cười “là sự hóm hỉnh, tinh nghịch.
Ngay bài thơ đầu tiên mang tên tập thơ, viết về loài vật mèo và chuột nhưng cái độc đáo ở đây đã hấp dẫn người đọc ngay từ tên bài thơ, rồi từng câu từng chữ
“Nửa đêm mèo khóc chuột cười
Bạn từng nghe chuyện lạ đời thế chưa ?
Bềp nhà tôi, tự bao giờ
Bầy chuột nhắc nhở lắm trò trêu ngươi
Mà thằng mèo Nhép, than ôi
Đêm đêm vờn bóng, nghịch đuôi ngoài thềm
Chiếc lồng bẫy chuột, ngỡ quên
Bữa kia sực nhớ, tôi đem móc mồi
Mồi là mẫu cá khô thôi
(Món này, lũ chuột mê tơi nhất nhì!)
Nửa khuya chợt thức, tôi nghe
Tiếng ai thút thít, lâm li quá chừng
Bật đèn. Bạn có tin không?
Chiếc lồng bẫy chuột, bên trong mèo ngồi
Thấy tôi, Nhép cố giấu đuôi
Nhắm nghiền hai mắt, chao ơi, tội tình!
Chuột cười rúc rích xung quanh...”
Trong “Mẹ sinh em bé” vừa tinh vừa hóm, bắt thóp được “cu cậu”:
“Ngang qua nôi bé, tò mò
“Anh Hai” trộm ngắm rồi vờ như không !”
Bài “Thơ vui Tết con khỉ” vừa... khỉ, vừa vui :
“... Ai áo quần như giẻ
Thêm tóc tai lôi thôi
Cả tháng không nhớ tắm
Có ngày rồi mọc... đuôi
Ai chơi ác, xấu chơi
Thích “giấu tay ném đá”
Hay “thọc gậy bánh xe”
May lắm thành... khỉ gió
… Những “vua quậy” trẻ con
Càng nghĩ càng thấy hãi:
“Đệ tử” Tôn Ngộ Không
Sao chỉ toàn “phép”... gãi???”
Cái vui, cái tếu táo trong thơ Cao Xuân Sơn có hàm ý giáo dục nhẹ nhàng, không thuần tuý chỉ là “thọc lét” hay một kiểu “khoe” trí tuệ. Bởi thế, thật là dễ chịu khi anh bỗng quên mình đang “làm thơ cho các em” mà chỉ đuổi theo cảm xúc:
“Những chú ve vô danh, vô tư
Dàn nhạc vô hình giữa chập chùng sắc lá
Phố xá bỗng nhìn nhau thân thiết quá
Bữa tiệc thanh âm ai cũng có phần mình”
(Những chú ve nghệ sĩ)
Những câu dưới đây là cho người lớn hay cho trẻ em, thôi khỏi “thắc mắc”, chỉ cần biết nó rất thơ là đủ :
“Khiêm nhường vậy, hoa ơi
Bao lần em bối rối
Màu hoa ấy không tên
Mùi hương kia không tuổi”
(Hoa dại)
Giữa cái vui thừa thãi, ồn ào, một thoáng bùi ngùi có hiệu quả như nốt lặng trong bản nhạc:
– Về thôi, chân bà sắp mỏi
Cháu nghe, đoán liền vì đâu
(Thương bà xót tiền, nhịn khát
Biết vậy, mang bình nước theo!)
(Dắt bà đi chơi Tết)
Đến với “Mèo khóc chuột” tôi đã tìm thấy một thế giới đầy khát vọng, ngọn lửa yêu thương nóng ấm . Cao xuân Sơn đã nghĩ đến sự "đối lập" của hai mảng màu cuộc sống được thể hiện qua thế giới nhân vật, qua tâm điểm "con người". Đó là sự côi cút, lạc lõng của những thân phận hẩm hiu và sự ấm áp, hạnh phúc của những em bé sống trong vòng tay yêu thương gia đình. Nhưng có lẽ nên nhìn nhận sự tái hiện này trong trường "đối thoại". Những lát cắt cuộc sống, dù ở góc độ nào, cũng đều chan chứa yêu thương và chia sẻ, gọi dậy một cảm nhận trong trẻo, ngọt lành về tuổi thơ, về những điều riêng - chung trong số phận và tính cách. Nhưng, ở một góc nào đó, của thơ, của đời, những "thằng Nhóc phố tôi" vẫn tràn ngập trong hồn một khát khao thầm vụng:
"Có chăng Tiên, Bụt trên trời?
Biết không, thằng Nhóc phố tôi mơ gì?
Một lần Nhóc kể tôi nghe
Nó mơ Tiên, Bụt kêu về... đấm lưng".
(Thằng Nhóc phố tôi)
Với phương thức phản ánh sáng tạo trong cái nhìn ấm áp, nhân hậu và đầy tinh thần trách nhiệm Cao xuân Sơn đã có những nét chạm khắc tinh tế, những ấn tượng sâu sắc về hình tượng nhân vật thiếu nhi - những con người mới, những mầm non mới. Từ một "thằng Nhóc phố tôi" đến nỗi lo sợ vu vơ của cô con gái rằng đọc sách nhiều sẽ... cận thị, văn học hướng tới sự cắt nghĩa, lí giải cuộc sống trong sự xoay chiều, cộng hưởng âm thanh đời thường với mạch nguồn xúc cảm trong trẻo về trẻ thơ. Thi sĩ đã đi từ thế giới trẻ thơ để viết cho các em.Cái tứ thơ trong bài “Mở sách ra là thấy” được gợi ý từ một nỗi lo sợ vu vơ của con gái tác giả. Trong bài này, tác giả vừa tìm cách “dụ dỗ” trẻ em đọc sách bằng cách kích thích trí tò mò vốn có của trẻ con:
“Đôi khi kẻ độc ác
Lại không là cọp beo
Cũng đôi khi đói nghèo
Chưa hẳn người tốt bụng…
Có lẽ vì thơ khởi đi từ những điều bình dị như thế nên những lí lẽ trong thơ cũng được gieo trên mảnh đất tâm hồn trẻ thơ một cách tự nhiên. Từ triết lí hiện đại, không tiếp tục đồng nhất với mô típ cổ tích xa xưa
“kẻ độc ác - cọp beo”,
“người đói nghèo - tốt bụng”,
Để rồi đi đến kết thúc bài thơ bằng cách “chữa” lại quan niệm tai hại “đọc sách nhiều thì cận thị”, rằng:
“Ta “đi” khắp thế gian
Chỉ bằng hai con mắt
Sẽ “cận thị” suốt đời
Những ai không đọc sách!”
Trẻ rất thích được vỗ về, được trò chuyện (và thậm chí được nghe chính tiếng nói của riêng mình). Luôn luôn gặp trong thế giới của bé những khát khao giãi bày, tìm tòi, khám phá những chân trời mới lạ. Trong bài “Sao không nhiều Tết hơn?” bé "hỏi mẹ"
“ …sao chỉ ba ngày Tết?
Mà không nhiều hơn?
…
Mẹ ơi mẹ , ai làm ra Tết vậy
Sao không nhiềuTết hơn?”
Kết cấu bài thơ hình thành xuất phát từ chính những câu hỏi hồn nhiên, trong trẻo ấy. Và bởi, viết cho thiếu nhi cũng là viết cho chính tuổi thơ của mình, viết cho những đứa con yêu thương, cho những đứa trẻ thánh thiện xung quanh mình... nên thi sĩ Cao Xuân Sơn đã sử dụng kết cấu này như một gợi dẫn để đi dần vào thế giới tâm hồn trẻ thơ. Bài thơ này, hơn thế, còn là tấm vé về lại tuổi ấu thơ trên con tàu mang tên nỗi nhớ.
Về hình thức thơ anh đã chọn những câu thơ 3, 4 chữ để kiến tạo bài thơ, để chuyển tải những gam màu cuộc sống đến bạn đọc nhỏ. Từ thể thơ tự do, thơ bốn chữ, năm chữ đến thơ lục bát.Cao Xuân Sơn đã học tập và làm mới đồng dao qua bài đồng dao “Nhím và Nghé”. Nhịp thơ đều,cấu trúc lặp lại, xoay vòng... là những đặc trưng của thơ đương đại, in đậm dấu ấn đồng dao:
“Nhím mà lưng chẳng có “ gai”
Nghé mà đeo kính , tóc tai gọn gàng
Nhím mà ăn nói dịu dàng
Nghé mà đi đứng đường hoàng, khoai thai
Nhím mà biết hát chục bài
Nghé biết gõ cửa, nhà ai muốn vào
Nhím mà khách đến biết chào
Nghe xem kịch, biết bên nào “ quân ta”
Nhím lớp bé, Nghé lớp ba
Nhím là em gái, Nghé là anh trai
Nhím mà lưng chẳng có “ gai”
Có thể nói, Cao Xuân Sơn rất say sưa với lớp từ tượng hình, tượng thanh và phép so sánh, nhân hóa tạo nên điểm nhấn và sức cuốn hút mạnh mẽ cho tập “Mèo khóc chuột cười”.Chính vì thế không chỉ bạn đọc nhỏ tuổi yêu quý tác phẩm của anh mà người lớn chúng ta cũng vô cùng cảm thấy hạnh phúc khi đọc từng trang thơ để bắt gặp nét hồn nhiên, tươi sáng, hồn nhiên của tuổi thiên thần. Tôi đã phải rất nhiều lần cảm ơn thi sĩ khi lần đầu lật từng trang thơ và bây giờ nhẩm đọc từng dòng thơ ấy tôi vẫn luôn mỉm cười.
Họ và tên: Mai Uyên
Lớp: 4/7
Có những câu chuyện đọc rồi cũng sẽ quên. Nhưng cũng không ít quyển sách để lại cho em những kỉ niệm khó phai như quyển sách kể về cuộc đời của nhân vật An-fét Nô-ben của nhà văn Han-Kiên. Em tin rằng những ai đã đọc đều không quên được thế giới đầy sự nỗ lực và phấn đấu của ông ấy. Nhà văn Han-kiên đã tặng bạn đọc một tấm gương sáng giá để chúng em noi theo.
Ông Nô-ben sinh ra trong một gia đình khoa học. Ngay từ nhỏ ông đã có khiếu khoa học. Yêu thích cả văn học và khoa học nhưng ông lại chọn con đường khoa học vì nghĩ rằng đó là con đường mang lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại. Ông đã để lại 350 phát minh như: Thuốc nổ Dynamic, thiết bị tạo chất lỏng thành chất rắn, sợi nhân tạo, máy cắt tự động... Đặc biệt, phát minh thuốc nổ Dynamit đã đưa tiến trình phát triển của nhân loại lên một bước mới. Nhưng Dynamit cũng được dùng để chế tạo thành vũ khí chiến tranh, điều đó đã khiến ông Nô-ben vô cùng đau khổ, nên ông nguyện cống hiến tất cả tài sản cho hòa bình của thế giới.
Giải thưởng Nô-ben là biểu tượng, là giải thưởng cao quý thể hiện mong ước đẹp đẽ nhất của ông. Giải thưởng Nô-ben là nguồn động viên khích lệ, nâng bước cho các nhà khoa học tiếp tục phấn đấu, hoạt động vì khoa học và vì một thế giới hòa bình.
Khi đọc xong quyển sách, em đã rút ra được rằng: “Chỉ cần chúng ta nỗ lực và phấn đấu hết mình mọi việc rồi sẽ thành công”.
Họ và tên: Võ Thanh Hải
Lớp: 5/1
Cậu bé bút chì
Em được một người bạn giới thiệu truyện “Shin – Cậu bé bút chì” của tác giả Yoshito Usui để đọc.
Nội dung chuyện kể về cậu bé tên Shinosuke rất nghịch ngợm và rất thích trêu chọc mọi người. Những trò chơi của cậu luôn làm mẹ cậu là Misae Nohara phát phát cáu. Cậu có một người bố tên là Hiroshi, ông ấy rất hiền lành nhưng Shinosuke rất thích tắm với bố vì cậu có thể bày ra rất nhiều trò quậy phá trong phòng tắm mà không lo bị đánh. Tác giả đã sử dụng một bút pháp đơn giản, không tỉa tót, thậm chí có vẻ “ngây ngô” hơn các bộ manga khác. Nội dung truyện cũng đơn giản: tất cả xoay quanh nhân vật chính là: bố mẹ, thầy cô, bạn bè, hàng xóm và cả… người không quen! Truyện diễn biến với tiết tấu chậm, dường như chỉ là những tình huống mà ta có thể gặp bất kỳ ở đâu đó: siêu thị, công viên, trường học…
Những trò quậy phá của Shin làm em chợt nhớ lại thời thơ ấu đẹp đẽ của mình. Em rất thích đọc truyện Shin và xin chia sẻ với mọi người bộ truyện tranh thú vị này.
Họ và tên: Trần Thanh Thảo
Lớp: 5/1
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Trong những cuốn truyện em đọc thì em rất thích cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Đây là một trong những truyện dài thành công nhất của ông.
Tác phẩm gồm những câu chuyện nhỏ xoay quanh 4 đứa trẻ trong cùng một khu xóm là Tún, Tí Sún, Hải còi và Mùi. Nhà văn mời người đọc lên chuyến tàu quay ngược trở lại tuổi thơ cùng 4 bạn nhỏ. Những trò chơi dễ thương thời bé, tính cách thật thà, những ước mơ… làm cho lôi cuốn trở nên hấp dẫn hơn.
Đọc xong câu chuyện, em thấy yêu và quý tuổi thơ của mình hơn vì một khi tuổi thơ đã qua đi thì sẽ không bao giờ lấy lại được.
Họ và tên: Minh Hiền
Lớp: 5/1
Những bí mật kì diệu dành cho học sinh
Em đã được đọc ba quyển truyện tranh: “Wow! Những bí mật kì diệu dành cho học sinh”. Ba quyển truyện khác nhau về nội dung. Quyển một “Các loài động vật và thực vật nguy hiểm”. Quyển hai “Bí mật cơ thể người”. Quyển ba “Khám phá các loài chim” nhưng đều nhờ tay viết, tay vẽ của tác giả Thơ Dương Dương và người dịch là Phúc Bình.
Trong các cuốn truyện này xoay quanh ba nhân vật: Cậu bé người rừng, Phương Linh, gấu trúc FiFi cùng những chuyến khám phá kì diệu. Quyển một “Các loài động vật và thức vật nguy hiểm” giúp em nhận biết về động vật nguy hiểm là rắn cùng màu với tre trúc – loài rắn ẩn mình trong rừng trúc. Ếch phi tiểu độc – loài ếch đẹp nhất thế giới với một đường đỏ trên lưng báo hiệu cho con vật xung quanh là nguy hiểm… Cùng một số thực vật nguy hiểm là giúp phân biệt loại nấm độc và nấm hương không có độc. Quyển 2 “Bí mật cơ thể người” giúp em biết về tuổi dậy thì, sinh mệnh và còn những kiến thức về giới tính cần biết. Quyển 3 “Khám phá về loài chim” giúp em biết tác dụng lông chim, tác dụng túi khí…
Những quyển truyện “Wow! Những bí mật kì diệu dành cho học sinh” cho em biết về thế giới xung quanh ta, những điều nên làm và những điều không nên làm rất bổ ích.
Họ và tên: Bảo
Lớp: 5/1
Dế Mèn phiêu lưu kí - Tô Hoài.
Nhân vật chính câu chuyện là anh chàng Dế Mèn ương bướng, ưa mạo hiểm và cũng rất dũng cảm. Anh đã xin mẹ cho anh đi chu du thiên hạ, Trên đường đi, anh đã gặp rất nhiều người bạn tốt và không ít người xấu. Anh Dế Mèn đã gặp chị Nhà Trò rồi kết bạn. Với tấm lòng nhân hậu và tính cách nghĩa hiệp, Dế Mèn đã cứu giúp Nhà Trò, thoát khỏi vòng vây của bọn nhện độc ác. Trong quá trình chu du thiên hạ với người bạn Dế Trũi, anh Dế Mèn còn nhiều lần gặp khó khăn nguy hiểm nhưng với lòng can đảm anh đã vượt qua tất cả.
Em đã học được nhiều điều ở anh Dế Mèn về lòng dũng cảm, niềm tin, không ngại khó khăn, nguy hiểm để giúp đỡ bạn bè nên em muốn giới thiệu quyển truyện này cho bạn bè.
Họ và tên: Tuệ Giang
Lớp: 5/1
Em đã từng đọc qua nhiều loại truyện tranh nhưng em thích nhất bộ truyện tranh của nữ tác giả người Nhật Ono Eriko sáng tạo dành cho lứa tuổi thiếu nhi.. “Nhóc Miko”.
Câu chuyện xoay quanh cô bé Miko – một bé nữ sinh tiểu học hồn nhiên, tinh nghịch, ham ăn, ham chơi như biết bao cô bé, cậu bé trên trái đất này. Trong truyện còn có bố, mẹ, các bạn Yuko, Tappei, Mari, Kenta…lúc nào cũng quan tâm đến Miko và tạo nên những tình huống bất ngờ, thú vị. Em như được thấy chính mình trong những câu chuyện vui nhộn, ngộ nghĩnh ấy. Nhóc Miko dành cho tất cả những bạn đang còn trong lứa tuổi ngây thơ, trong sáng như chúng mình đấy các bạn ạ.
Em giới thiệu bộ Kodomo Manga này để mọi người cùng đọc và ủng hộ cho bộ truyện nhé!