Không như những ngành nghề khác trong xã hội, những nhà giáo đều biết rõ một điều rằng, khi chọn nghề dạy học là chọn cho mình một cuộc sống bình lặng về cả tinh thần lẫn vật chất, và sẽ kéo dài suốt mấy mươi năm, hầu như đến hết cuộc đời.
Khi bước chân vào trường là chuyển sang một cuộc sống khác ở nhà. Trang phục của thầy cô luôn lịch sự, trang nhã và phải đẹp. Màu sắc không chói chang, kiểu dáng kín đáo và không cầu kì. Nói chung là nghiêm túc và chuẩn mực.
Sự nghiêm túc chuẩn mực không chỉ ở cách ăn mặc, nó còn biểu lộ qua tư thế, tác phong, hành vi, cử chỉ, thái độ, lời ăn tiếng nói, cách giao tiếp ứng xử.
Cũng có thể ta thấy sao mà chi li, khó tính khi thầy cô, không phải là giáo viên chủ nhiệm, vào lớp lại góp ý rằng cái khăn trải bàn không hài hòa với màu sắc của bình hoa chưng trên đó. Hoặc sàn lớp học quá dơ. Hoặc giẻ lau bảng đã rach tả tơi mà lớp không thay cái mới. Hoặc mặt bàn học trò, vách tường phòng học bị viết linh tinh, nham nhở.
Cũng có thể ta thấy sao mà “rỗi hơi, quá rảnh” khi giáo viên, không phải là giám thị, lại phê bình một cái váy đồng phục đã cắt xén ngắn hơn chiều dài theo quy định, một mái tóc kiểu cọ không phù hợp với chốn học đường.
Có thể ta thấy hơi kỳ lạ khi một giáo viên đang bước khoan thai, đĩnh đạc dọc theo hành lang lớp học, bỗng cúi xuống nhặt một cây bút hư đã quăng bỏ, hoặc một cái chai nhựa rỗng nằm lăn lóc, hoặc một mảnh khăn giấy nhăn nhúm rồi bỏ vào thùng rác gần đó, hay xa hơn một tí. Đó là một việc làm tuy nhỏ vặt, tầm thường, thậm chí không đáng làm nhưng thật sự mới chính là cái kiểu tấm gương nhà giáo cho học sinh noi theo. Có thể có người nói “Gọi em học sinh nào đứng gần đó làm việc ấy thay cho mình cũng được”. Vâng. Muốn xử cách nào thì tùy. Miễn sao nhà giáo thầy mình đã làm một việc nên làm, đó là bồi dưỡng cho học trò về cái đẹp, nhận thức thẩm mỹ, cái nhìn thẩm mỹ.
Tương tự như vậy, khi qua lại trong sân trường, lúc lên xuống cầu thang, biết bao vấn đề cần phải quan tâm, giáo dục ngay tại chỗ. Học sinh quen miệng chửi thề, nói tục. Nam sinh đùa giỡn nặng tay với nữ sinh. Học trò thờ ơ trơ mắt ngó thầy cô đi qua mặt mà không khẽ cúi chào (học sinh chỉ chào với người đã từng, đang dạy lớp chúng mà thôi). Nhưng cũng có trường hợp, học sinh kêu thầy, cô để chào mà thầy cô lại nghiêm mặt, hoặc rầy la cái tội chúng dám ngang nhiên hỗn hào. Chăng lẽ kêu gọi hãy làm cho nhà trường trở thành môi trường thân thiện thì dễ nhớ, nhưng biến thành hành động lại dễ quên?
Ở trường nào cũng vậy, học sinh trong lớp tự phân chia ra hai loại thầy cô dữ, hiền. Dữ là hay la mắng, luôn cho bài tập khó, có thói quen bắt học sinh chép phạt, dứng vào góc lớp, thậm chí hù dọa cho thi lại môn học… Hiền là hay cười, không trùy bài, bắt học thuộc bài gắt gao mà tạo mọi điều kiện cho tất cả học sinh khá, trung bình, yếu, kém đều có cơ hội kiếm được số điểm tuyệt đối. Số điểm mà các em thấy vui và quí vì đã đánh giá đúng khả năng và sự cố gắng của chính mình.
Bởi vậy không có gì lạ khi có thầy, cô thì học trò đeo bám ríu rít như gà con quấn chân gà mẹ, còn có thầy, cô thhif chuyên đóng vai người cô đơn, cô độc ngay cả trong giờ lên lớp, tận tình giảng bài đến cả khản cổ họng trước mặt mấy chục đứa học trò.
Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên sau bao nhiêu năm, trò cũ nay đã thành danh, sự nghiệp rỡ ràng vẫn tìm đến thăm người thầy cô ngày xưa, hoặc viết những lời tình cảm đăng báo, đọc trên đài, gởi lên mạng internet. Thời đại máy tính toàn cầu này có cái trang mạng xã hội Facebook đã giúp thầy trò có nhiều thời gian giao tiếp với nhau hơn, gần gũi hơn. Thầy cô gởi bài tập, thông báo giờ giấc học hành, học trò thắc mắc hỏi bài… trao đổi đủ thứ chuyện trên đời. Thầy cô cũng tiện dịp đó mà bảo ban, răn dạy, răn đe. Thật là tiện lợi.
Trong nhà trường, ngoài đối tượng chính là học sinh như vừa nói, thầy cô còn một mối quan hệ với đồng nghiệp bằng vai phải lứa, lớn tuổi hơn và nhỏ tuổi hơn, với cấp trên là Ban Giám hiệu, với những cán bộ nhân viên khác trong trường như lao công, bảo vệ…
Mối quan hệ này không phải là bạn bè, cũng không phải là hàng xóm láng giếng nhưng thực sự nó còn hơn thế nữa. Chia sẻ tài kiệu soạn giảng, kinh nghiệm giảng dạy, giáo dục học sinh, giúp đỡ dạy thay, dạy thế, chấm bài kiểm tra dùm khi đồng nghiệp bệnh tật ốm đau hay “bận việc gia đình”. Bênh vực quyền lợi vật chất tinh thần cho nhau… Những giờ ra chơi, những lúc trống tiết, những khi chờ đến tiết lên lớp, mấy cô giáo gọi nhau ăn củ khoai lang luộc, trái xoài chua, gói xôi, ổ bánh mì… chỉ nhau chỗ mua vải đẹp, chỗ may áo rẻ, kinh nghiệm nuôi con, đưa đón con đi học đúng giờ mà không vào lớp trễ… Rất hiếm thấy trong tập thể giáo viên có chuyện to tiếng nặng lời, gièm pha châm biếm hoặc cãi vã xô xát với nhau. Cũng hiếm thấy chuyện lén lút “chơi xấu”, chèn ép nhau. Có thể nói họ là những người điềm tĩnh và “tốt nhịn”. Có lẽ bởi vì cuộc sống nhà giáo vốn đã rất yên bình, lặng lẽ, các nhà giáo luôn cố gắng nói những lời hay đẹp, nhiệm vụ cả đời của nhà giáo là đào tạo một con người hoàn thiện đấy thôi.
Mặc dù bản chất riêng từng cá nhân có kẻ xấu, người tốt nhưng chính công việc và nếp sống mỗi ngày, mỗi năm, nhiều năm trong nhà trường đã khiến nhà giáo tự nhiên phải trở nên một con người chân chính. Con người đó càng ngày càng giỏi về chuyên môn, càng nhạy bén về tâm lí. Điều này, những thế hệ học trò và đồng nghiệp đã góp phần rất lớn, nhưng sẽ rất thiếu sót nếu không kể thêm một đối tượng khác ngoài nhà trường. Đó là các vị phụ huynh học sinh.
Nếu các con em hạnh kiểm chăm ngoan, học lực từ trung bình trở lên thì mỗi năm phụ huynh chỉ gặp giáo viên chủ nhiệm ba lần theo qui định. Lần thứ nhất vào đầu năm học để giáo viên và các phục huynh biết mặt nhau, bầu chọn (thực ra là chỉ định và năn nỉ) Ban Chấp hành hội phụ huynh của lớp, rồi thông báo nội qui nhà trường, những khoản tài chánh phải thu chi trong trường, lớp. Lần thứ hai vào dịp gần tết để nghe chủ nhiệm báo cáo tình hình học tập, đạo đức của lớp trong học kì một. Lần thứ ba, tổng kết cuối năm học để biết con em đã đạt loại học sinh gì, có được giấy khen, phần thưởng không, phải thi lại môn học nào, có bị ở lại lớp hay rèn luyện đạo đức trong hè không.
Nhà trường cho thời gian họp mỗi buổi khoảng một tiếng đồng hồ. Nhưng có lớp tan họp rất sớm, có lớp họp mãi chưa xong, xong rồi lại còn xúm xít quanh giáo viên chủ nhiệm để hỏi han, thắc măc, góp ý rất lâu tới nỗi sân trường vắng tanh vắng ngắt.
Ngoài ba lần gặp gỡ trao đổi bắt buộc đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ gặp riêng từng phụ huynh nhiều hay ít lần nữa, tùy thuộc vào mức độ học tập (kém) và rèn luyện (lười, không ngoan) của con em họ. Không gặp mặt trực tiếp vì lí do phụ huynh bận bịu gì đó thì trò chuyện qua điện thoại.
Đây là lúc giáo viên bộc lộ và phát huy kỹ năng cũng như kinh nghiệm giao tiếp ứng xử với phụ huynh – những người nắm giữ vấn đề kinh tế, chịu trách nhiệm về tính cách của học sinh, quản lí giờ giấc ngoài giờ đến trường lớp của học sinh. Một bên “kể tội” và phiền trách, một bên vừa than thở, kể khổ vừa hứa hẹn sẽ chú ý dạy dỗ hơn, vừa liên tục nhờ cậy thầy cô giúp đỡ.
Chưa một giáo viên chủ nhiệm nào thấy lòng nhẹ nhõm khi mời gặp phụ huynh đến gặp. Đó là cuộc gặp gỡ không mong đợi. Nhưng chính vị phụ huynh ấy đã cung cấp cho nhà giáo thêm một kinh nghiệm sống, một cách nhìn nhận con người, nhìn lại cách làm việc của mình, thông cảm bao dung hơn, hoặc nghiêm khắc hơn với đứa học trò kém ngoan kia.
Trong thời đại mà hâu như ai cũng dùng điện thoại di động, có nhiều trường đã đề nghị phụ huynh chỉ cần đóng một khoản tiền nhỏ, chưa tới con số hàng trăm thì ngồi ở nhà cũng biết tình hình điểm số, hạnh kiểm của con em tốt xấu thế nào. Mới nghe qua tưởng như từ nay chủ nhiệm sẽ không phải mời phụ huynh nữa, sẽ bớt bận bịu, phiền toái nhưng đó chỉ là nói chung thôi. Còn nói riêng, hầu như chẳng có gì thay đổi mối quan hệ chặt chẽ và đa dạng này giữa phụ huynh và giáo viên. Bởi học trò mỗi đứa mỗi tính cách, chương trình học vẫn chưa giảm bớt độ cao siêu khó hiểu, cuộc sống con người mãi mãi xảy ra trắc trở nọ kia khó lường, khó đoán… Bởi đó là nhiệm vụ giáo dục mà xã hội đã giao cho nhà giáo.
Và bởi, đó là những mối quan hệ giúp nhà giáo cần mẫn, kiên trì xây dựng một con người, một cuộc sống tốt đẹp mà ta hằng mơ ước.
Trích giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Phúc Quỳnh (Trường THPT Nguyễn An Ninh, Quận 10, TPHCM) - đăng trên báo Giáo dục & Thời đại số tháng 10 (250) ngày 18/10/2013