Macxim Gorki là văn hào vĩ đại người Nga với tuổi thơ đầy bất hạnh. Ông mồ côi bố mẹ từ nhỏ và phải tự kiếm sống lúc mới 13 tuổi bằng đủ các nghề nghiệp và phải lang thang trôi dạt khắp nơi. Nhờ một nghị lực sống phi thường mà ông đã trở thành nhà văn nổi tiếng thế giới, nhà văn bậc thầy của giai cấp vô sản, con người được nhân dân cả thế giới kính trọng vì có vốn hiểu biết văn hóa hết sức rộng và sâu sắc. Nói đến Macxim Gorki không thể không nói đến việc tự học của ông và vì thế không thể không nói đến sách. Vai trò, tác dụng to lớn của sách đối với việc tự học, tác động mạnh mẽ của sách đối với bản thân ông trong quá trình tự học để trở thành một đại văn hào của thế kỷ 20 và mãi tận sau này. Macxim Gooki đã phát biểu giản dị bằng câu nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”
Câu nói của Macxim Gorki hàm chứa ý nghĩa như một chân lý, như một lời tâm sự, một lời khuyên chỉ dẫn cho ta biết giá trị của sách lớn lao như thế nào? Giúp cho ta biết yêu quí sách và ham mê đọc sách.
Loài người có ngôn ngữ văn tự trước rồi mới có sách, sách gắn liền với những chặng đường đi lên của nhân loại.
Có sách là những tấm đất sét được khắc kí tự, hình vẽ, có sách là những tấm đá, sách trên thẻ tre, mai rùa, xương thú, có sách được ghi trên hàng nghìn tấm da cừu. Đến thời kì phát triển, văn minh nhân loại sáng chế ra giấy, mực, máy in chữ rời bằng con chì và ngày nay là máy in hiện đại.
Dù sách được làm bằng chất liệu gì thì tựu trung sách là kho tàng trí tuệ của nhân loại, là giá trị tinh thần vô giá của loài người được tích lũy, chọn lọc, phân tích, tổng hợp và lưu trữ cho các thế hệ mai sau. Nội dung của sách dù là những bộ kinh Thánh, kinh Phật, những bộ sử thi Ramayana dài hàng chục vạn câu thơ được viết ra trải mấy nghìn năm lịch sử mà đến nay vẫn “mở rộng ra“ trước mắt loài người, kích thích trí tò mò nghiên cứu tìm hiểu của nhiều thế hệ.
Sách thể hiện tài năng của tác giả, sách cho ta thấy bộ mặt tinh thần, bản sắc văn hóa của từng dân tộc, từng quốc gia. Sách có sức sống phi thường vượt mọi giới hạn của không gian và thời gian. Sách đưa đến cho người đọc những hiểu biết mới mẻ về thế giới xung quanh, về những đất nước, những dân tộc xa xôi. Sách làm cho các dân tộc, các chủng người trên khắp hành tinh xích lại gần nhau hơn. Sách là sản phẩm kỳ diệu của con người trên đường đến tương lai.
Sách là hành trang cần thiết đối với con người, “sách mở rộng” trước mắt mỗi chúng ta “những chân trời mới”. Sách giúp cho con người phát triển trí tuệ, nâng cao kiến thức và bồi dưỡng tâm hồn.
Nếu không có sách thì con người sẽ sống trong tối tăm, dốt nát, sẽ chỉ còn là phường gia áo túi cơm. Nói rằng sách mở ra những chân trời mới là hoàn toàn có cơ sở và sách không chỉ mở rộng những chân trời cho một người, trăm người, triệu người mà sách mở ra những chân trời cho cả nhân loại
Sách khoa học giúp người đọc khám phá vũ trụ vô tận với những qui luật của nó, hiểu về hành tinh mà con người đang sinh sống, đề ra kế hoạch bảo vệ hành tinh thân yêu này. Những trang sách của Bruno, của Galile về quả đất và thái dương hệ đã mở ra cho loại người một thời kỳ mới trên con đường chinh phục tự nhiên; Những trang sách của Đacuyn về các giống, loài không chỉ giúp con người hiểu rõ về các sinh vật mà nhờ đó con người cũng hiểu rõ hơn về chính mình.
Sách xã hội lại giúp chúng ta hiểu về đời sống của mỗi người trên các phần đất khác nhau với những đặc điểm lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội khác biệt, những truyền thống và khát vọng, những ước mơ bay cao và vươn xa vào vũ trụ bao la.
Sách văn học giúp ta hiểu biết về các tộc người khác nhau, những niềm vui & nỗi buồn, những hạnh phúc & khổ đau, những khát vọng & lịch sử đấu tranh của họ. Đọc sách của Secxpia, của Điđơrô, Mongtexkio rồi của Các Mác, Ăngghen… thực sự đã giúp chúng là làm những cuộc cách mạng lớn. Đọc Banzac ta hiểu về thế giới tư bản với sức mạnh lạnh lùng của đồng tiền. Đọc thơ Tagor, Lý Bạch, Đỗ Phủ ta hiểu rõ về đời sống tinh thần và tâm hồn của cả một dân tộc. Đọc Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao bá Quát ta hiểu xưa kia cha ông ta đã từng khổ đau và ước mơ, khát vọng điều gì?
Như vậy, sách văn chương nghệ thuật hướng thiện nhân tâm, sách dạy ta biết yêu thương, căm giận đúng với đạo lý, biết bồi đắp cái đẹp, cái cao cả nhân văn cho tâm hồn mỗi người chúng ta.
Ngoài ra, sách còn giúp chúng ta phát hiện ra chính mình, hiểu rõ mình là ai giữa vụ trụ bao la, hiểu mỗi người có quan hệ thế nào với người khác, với tất cả mọi người trong cộng đồng dân tộc và cộng đồng nhân loại.
Sách giúp con người nhìn nhận ra chính mình để sống và đi tới đạt được một cuộc đời thật sự. Sách mở ra những chân trời với ước mơ và khát vọng , không thể kể hết ”những chân trời” mà các trang sách đã mở ra trước mắt ta, nhưng có thể nói một cách tóm tắt rằng: Lợi ích của sách là vô tận. Lời phát biểu của Macxim Gorki thật xác đáng bởi sự khuyên bảo hàm chứa trong câu nói ấy nhắc nhở chúng ta: Hãy đọc sách, cố gắng đọc sách càng nhiều càng tốt.
Tuy nhiên, ta cũng cần hiểu rằng sách dù quí giá như vậy, nhưng sách không tự đến với con người. Chỉ có những người hiếu học, ham mê đọc sách và có phương pháp đọc sách tốt thì lúc đó sách mới thực sự trở thành người bạn, người thầy, người hướng dẫn và lúc đó sách mới mở rộng những chân trời mới trước mắt ta. Chân trời mới chứa đựng nguồn tri thức vô tận của nhân loại.
Chúng ta cũng cần lưu ý đọc sách để học tập, nâng cao tầm hiểu biết nhưng phải biết chọn sách để đọc. Thiên nhiên có nhiều hoa thơm và cũng có nhiều cỏ độc; sách có sách tốt, sách xấu nhảm nhí và độc hại.
Vậy, thế nào là sách tốt? Sách tốt phản ánh chính xác qui luật của tự nhiên và của đời sống, sách tốt giúp ta hiểu rõ về mình để có ý thức và nghĩa vụ đúng trong cuộc sống. Một cuốn sách tốt giúp cho các dân tộc hiểu biết và gần gũi, thân thiện và bình đẳng, nó phải ca ngợi sự công bằng và tình hữu nghị, nó khiến cho con người tự hào về mình và vững tin vào cuộc sống, sách khiến cho tâm hồn con người trở nên phong phú hơn, độ lượng hơn, trong sáng hơn.
Những cuốn sách tốt thực sự sẽ mở rộng không chỉ trước mắt ta mà còn mở rộng cả tâm hồn ta, giúp ta tăng thêm hiểu biết, làm tăng thêm giá trị và sức mạnh mà mình có.
Còn thế nào là sách xấu? Sách xấu là sách xuyên tạc sự thật, đưa con người đến những kiến thức giả trá về thế giới xung quanh. Sách xấu chia rẽ tình yêu, tình đoàn kết giữa con người bằng việc đề cao dân tộc này bôi nhọ dân tộc khác, gây thù hằn, mâu thuẫn, ngờ vực nhau, sách xấu đề cao bạo lực và chiến tranh, kích động những thị hiếu bản năng thấp hèn. Đọc sách xấu con người trở nên ngu dốt, mê muội, làm cho tâm hồn con người lúc đó trở nên khô cằn bởi những ước muốn tầm thường, ích kỷ, những tình cảm bạc nhược, đớn hèn.
Vì thế, có thể nói sách không chỉ trở thành một liều thuốc bồi dưỡng tâm hồn cực kỳ công hiệu mà cũng có thể trở thành một thứ thuốc độc cực kỳ lợi hại.
Từ câu nói của nhà văn vô sản Nga, chúng ta có thể tự xác định cho mình một thái độ đối với sách. Trước hết cần phải biết quí trọng sách và coi việc đọc sách là một công việc cần thiết vừa thú vị, vừa bổ ích. Sống mà không đọc sách, không ham mê sách là điều khó chấp nhận. Nhưng phải biết chọn sách để đọc, phải biết tìm đến những cuốn sách tốt, sách thực sự có ích. Mặt khác, đọc sách không phải chỉ để thưởng thức mà cần phải đọc để biết cách hành động vì những điều cao cả, tốt đẹp của cuộc sồng, đọc sách để khám phá chiều sâu tâm hồn mình, để tự hoàn thiện nhân cách mình.
Tóm lại, con người từ hàng nghìn năm qua đã sáng tạo ra sách và ham mê đọc sách. Nhưng nếu xưa kia niềm vui ấy chỉ là đặc quyền của một số người thì ngày nay nó trở thành quyền lợi của mọi người. Sách luôn luôn và sẽ mãi phát huy tác dụng kì diệu của nó. Ta không thể hình dung một thế giới mà không có sách. Không có sách nền văn minh của nhân loại cũng không còn. Đúng như đại văn hào Macxim Gorki đã nói: “ Mỗi cuốn sách đều là những bậc thang nhỏ mà mỗi khi bước lên, tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người, tới gần quan niệm sống tốt đẹp nhất và vì sự thèm khát cuộc sống ấy”
Hoặc như đại văn hào Nguyễn Trãi đã viết trong “Ức trai thi tập “: “Gia hữu cầm thư nhi bối lạc” nghĩa là : “Môn vô xa mã cổ nhân sơ” – Nhà có đèn sách thì vui con cái, cửa không có xe ngựa thì bạn bè xa.
“Sách là di huấn của người già sắp từ giã cõi đời để lại cho người trẻ sắp bước vào cuộc sống”